UBND QUẬN NAM TỪ LIÊM
TRƯỜNG THCS MỸ ĐÌNH 1
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: /KH-THCSMĐ1
|
Mỹ Đình 1, ngày 26 tháng 01 năm 2022
|
|
|
KẾ HOẠCH
Đón học sinh quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới
Căn cứ Công văn số 3668/HDLN:SGDĐT-YT ngày 25/10/2021 của Sở giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Hà Nội về Hướng dẫn liên ngành công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi học sinh quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới; Công văn số 3807/UBND-KGVX ngày 31/10/2021 của UBND TP. Hà Nội về việc học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19; Công văn 234/ UBND ngày 21/01/2022 của UBND TP. Hà Nội về việc “Học sinh trở lại trường học trực tiếp”; Công văn 292/SGDĐT-GDTrH ngày 28/1/2022 của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội về việc “Tổ chức dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập”.
Thực hiện kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 27/01/2022 của UBND quận Nam Từ Liêm về việc “ Tổ chức đón học sinh quay trở lại trường học sau Tết Nguyên đán”.
Để chuẩn bị cho việc đón học sinh quay trở lại trường học tập khi đủ điều kiện và bảo đảm an toàn về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại trường, trường THCS Mỹ Đình 1 xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới, cụ thể như sau:
A. MỤC TIÊU
- Đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học.
- Không để dịch bệnh COVID-19 xâm nhập và lây lan trong nhà trường.
- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID -19 trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh nhà trường;
- 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh hiểu rõ và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID -19 theo quy định.
- 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19.
B. THỰC HIỆN
I. CÔNG TÁC THỰC HIỆN TRƯỚC KHI HỌC SINH ĐẾN TRƯỜNG HỌC TRỰC TIẾP
1. Đối với nhà trường
1.1 Công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học
- Tổ chức khử khuẩn trường học bằng cách phun và lau CloraminB nền phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng, nhà vệ sinh, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can, bàn ghế, dụng cụ học tập.
- Tổ chức vệ sinh ngoại cảnh (phát quang bụi rậm, không để nước đọng, các dụng cụ chửa nước phải được đậy kín) và thu gom rác thải, phế liệu.
1.2. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, y tế
- Bảo đảm đủ nước uống hợp vệ sinh cho học sinh
- Duy trì hoạt động của bồn rửa tay ngoài trời và các khu vực nhà WC, đảm bảo đầy đủ xà phòng rửa tay và nước sạch.
- Bảo đảm nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, bố trí đủ thùng đựng rác và chất thải có nắp đậy, thực hiện thu gom rác thải hàng ngày. Cung cấp đầy đủ nước sạch và xà phòng rửa tay.
- Bổ sung kịp thời Cơ số thuốc thiết yếu, khẩu trang y tế dự phòng, dung dịch sát khuẩn tay nhanh, CloraminB, máy đo thân nhiệt, bình ô-xi…
- Sắp xếp, trang bị phòng y tế, phòng cách ly đủ điều kiện theo quy định.
1.3. Tuyên truyền, tập huấn
- Tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường về công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học, cách phát hiện các triệu chứng của bệnh COVID-19 theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường tự đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe ở nhà. Nếu có sốt, ho, khó thở thì chủ động báo cho nhà trường và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe đồng thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly y tế tại nhà hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.
- Xây dựng các tờ rơi, áp phích và dán ở những nơi dễ thấy, xây dựng các thông điệp để có thể nhắn tin qua sổ liên lạc điện tử cho học sinh, phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như vệ sinh cá nhân và những việc cần làm của học sinh.
- Thông qua sổ liên lạc điện tử, zalo, fanpage tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh về các nội dung sau:
+ Các biện pháp bảo vệ sức khỏe, theo dõi sức khỏe của học sinh và thực hành các biện pháp vệ sinh cá nhân ở nhà, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
+ Yêu cầu học sinh, phụ huynh học sinh theo dõi nhiệt độ, biểu hiện sốt, ho, khó thở của học sinh. Nếu học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Học sinh ở nhà nếu đang trong thời gian cách ly y tế tại nhà hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà sau cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan y tế (yêu cầu bắt buộc).
+ Thông tin cho học sinh, phụ huynh học sinh biết về các biện pháp phòng, chống dịch đã được thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện tại nhà trường để học sinh, phụ huynh học sinh yên tâm.
1.4. Tổ chức diễn tập đón học sinh trở lại trường học
TT
|
Nội dung điều hành
|
I
|
THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, THÀNH PHẦN THAM DỰ DIỄN TẬP
|
|
1. Thời gian: Từ 10h00 ngày 07/02/2022.
2. Địa điểm: Trường THCS Mỹ Đình 1 (TDP số 3, phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
3. Thành phần: Toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên
4. Nội dung diễn tập
1. Hướng dẫn, phân luồng giao thông khi phụ huynh đưa học sinh tới trường.
2. Hướng dẫn học sinh vào trường, vào lớp học đảm bảo công tác phòng chống dịch.
3. Hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập tại các lớp học đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.
4. Xử lý các tình huống khi phát hiện F0 tại trường.
5. Xử lý tình huống khi có học sinh nghỉ học vì nhiễm Covid 19 tại lớp.
6. Hướng dẫn học sinh ra về khi kết thúc buổi học
7. Đảm bảo công tác phân luồng giao thông khi học sinh tan học.
|
II
|
NỘI DUNG DIỄN TẬP
|
|
Tình huống 1. Hướng dẫn, phân luồng giao thông khi phụ huynh đưa học sinh tới trường.
- Lực lượng công an phường và đoàn thanh niên sẽ hỗ trợ điều tiết giao thông.
+ Tuyến đường Trần Văn Lai mật độ phương tiện đông cần đảm bảo an toàn cho các cha mẹ học sinh dừng đỗ xe. Lực lượng thanh tra giao thông, công an phường, tự quản… phối hợp điều tiết đảm bảo an toàn giao thông, không để ùn ứ người và phương tiện.
+ Khi học sinh, cha mẹ học sinh đến trường, đề nghị cha mẹ học sinh di chuyển ngay để đảm bảo việc tiếp đón học sinh thuận lợi.
+ Trong trường hợp học sinh, cha mẹ học sinh học sinh tập trung đông cùng một thời điểm; bảo vệ, chi đoàn nhắc nhở bằng loa, yêu cầu phụ huynh và học sinh đảm bảo việc giãn cách theo quy định.
- Cha mẹ học sinh và học sinh khối 8,9 đến trường đi theo lối cổng chính đường Trần Văn Lai; phụ huynh và học sinh khối 7 đưa con đến trường đi theo lối cổng phụ đường Trần Văn Lai; dừng lại tại barie cách cổng trường để đảm bảo giảm mật độ tập trung tại khu vực cổng trường.
- HS vào trường bằng 2 cổng:
+ Cổng chính với 3 làn: dành cho HS khối 8, 9
+ Cổng sau với 2 làn: dành cho HS khối 7
- Diễn tập tại cổng chính: Cô giáo Nguyễn Kiều Trang, thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh, thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp cùng các thầy cô theo nhiệm vụ được phân công hướng dẫn HS vào cổng trường bằng ba làn đã có dải phân cách.
|
|
Tình huống 2. Hướng dẫn học sinh vào trường đảm bảo công tác phòng chống dịch.
- Cô giáo Nguyễn Kiều Trang, thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh, thầy Nguyễn Văn Hiệp cùng các thầy cô theo nhiệm vụ được phân hướng dẫn HS đến khu vực sát khuẩn, đo thân nhiệt; các thầy cô nhắc HS giữ khoảng cách và hướng dẫn HS lên lớp. Sau khi đo thân nhiệt:
- Khu vực đo thân nhiệt cho HS cô giáo Nguyễn Thị Xuân, cô giáo Nguyễn Hương Giang, Cô giáo Lê Thuỷ Tiên.
+ Những HS có nhiệt độ từ 36.5o đến 37.4o được cô Lan Anh, Thuỷ Địa hướng dẫn lên lớp: Các lớp ở tầng 1 học sinh đi qua lối nhà xe vào thẳng lớp. Các lớp tầng 2,3 nhà A2: cô Hảo hướng dẫn HS đi lên sảnh theo cầu thang nhà A2, các lớp tầng 2,3 nhà A3 cô Hằng văn hướng dẫn HS đi cầu thang nhà A3 để lên lớp.
+ HS có thân nhiệt cao tên 37.5o trở lên thì sẽ được đội phản ứng nhanh đưa vào phòng cách ly tạm thời để được chăm sóc y tế.
- Ở cổng trường, xảy ra tình huống 01 học sinh Nguyễn Văn A có thân nhiệt cao trên 37.5 độ. Cô Nguyễn Thị Hải trong đội phản ứng nhanh đưa học sinh đến phòng cách li y tế để khám sàng lọc.
- Tại phòng cách ly y tế, cô Trà Hương nhân viên y tế của nhà trường sẽ kiểm tra lại thân nhiệt và test nhanh Covid cho HS.
- Dựa vào kết quả đó, nếu học sinh âm tính, sẽ được trở lại lớp học. Nếu học sinh dương tính thì nhân viên y tế sẽ báo cho y tế phường, báo cho BGH, báo giáo viên chủ nhiệm báo cho gia đình để điều tra dịch tễ. Học sinh sẽ được hỗ trợ cách ly y tế theo hướng dẫn.
- Trường hợp học sinh Nguyễn Văn A, sau một thời gian ở phòng cách ly Y tế, em đã hạ thân nhiệt còn 37,1 độ và được cô nhân viên Y tế báo BGH, báo các thầy cô trong đội phản ứng nhanh đưa trở lại lớp học. Cô Nguyễn Thị Hải trong đội phản ứng nhanh đưa học sinh trở về lớp học cùng các bạn như bình thường.
|
|
Tình huống 3. Hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập tại các lớp học đảm bảo công tác phòng chống dịc h trong tình hình mới.
- Vào đầu giờ tiết 1 cô giáo Nguyễn Thị Thuý kiểm tra sổ nhật kí theo dõi sức khỏe. Tại các lớp có sổ nhật kí, nhiệt kế, khẩu trang dự phòng, tấm chắn giọt bắn, nước rửa tay khô, cốc giấy, thùng rác có nắp đậy. Các lớp học không sử dụng điều hòa và mở cửa trong suốt quá trình học.
(Cô giáo Nguyễn Thị Thuý đang kiểm tra sổ đo thân nhiệt, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm thông điệp 5K… Trong lớp phải vệ sinh sạch sẽ, các con luôn phải đeo khẩu trang khi đến trường và giữ khoảng cách an toàn. Nếu có các biểu hiện sốt, ho phải báo ngay cho thầy cô đang dạy tại lớp và thầy cô trực tại các bộ phận gần nhất trong khu vực lớp mình.)
|
|
Tình huống 4. Xử lý các tình huống khi phát hiện F0 tại trường.
- Trong giờ học, 01 học sinh có biểu hiện ho, khó thở. Cô giáo Nguyễn Thị Thuý phát hiện và xử lí.
- Cô giáo Nguyễn Thị Thuý báo cáo giáo viên trong đội phản ứng nhanh nắm bắt thông tin, khẩn trương đưa HS đến phòng cách ly tạm thời để được theo dõi y tế. Đồng thời cô giáo hướng dẫn HS bình tĩnh và có các biện pháp ổn định tâm lí cho học sinh còn lại trong lớp.
- Cô Nguyễn Thị Hải, đội phản ứng nhanh của trường, nhận thông tin và đến lớp đưa học sinh đến phòng cách li Y tế.
- Tại phòng cách ly y tế, học sinh được thăm khám, điều tra dịch tễ.
- Tình trạng sức khỏe hiện tại của hs là: Nhiệt độ 38,5o, nhịp thở 20, huyết áp 110/70, húng hắng ho.
+ Cán bộ y tế trường lấy mẫu xét nghiệm Test nhanh cho HS.
+ Sau khi có kết quả xét nghiệm Test nhanh dương tính, cán bộ y tế trường báo cáo BGH nhà trường và đồng thời gọi điện thông báo cho cán bộ y tế phường qua phối hợp xử lý.
- Cán bộ y tế phường sau khi nhận được thông tin đã sang trường thực hiện lại 1 lần xét nghiệm để khẳng định.
- Khi có kết quả khẳng định dương tính, nhà trường đã liên hệ với gia đình hs đến đón con. Tuy nhiên, gia đình không có điều kiện đón con nên cán bộ y tế phường gọi điện liên hệ trung tâm y tế Quận điều xe chuyên dụng để chở bệnh nhân đi cách ly và điều trị theo quy định.
- Đồng thời, Y tế Phường liên hệ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của phường cử lực lượng sang khử khuẩn tại các khu vực F0 đã học tập, thăm khám tại trường.
- Cán bộ y tế phường phối hợp với nhân viên y tế trường học xuống lớp học có bệnh nhân F0 điều tra dịch tễ để phát hiện các trường hợp F1 và hướng dẫn gia đình hs cách ly theo quy định.
|
|
Tình huống 5. Xử lý tình huống khi có học sinh nghỉ học vì nhiễm Covid 19 tại lớp.
- Cô giáo Nguyễn Thị Thuý nhận điện thoại của cha mẹ học sinh báo học sinh nghỉ học do có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
- Cô giáo nắm bắt thông tin cụ thể qua điện thoại, động viên học sinh và gia đình học sinh là F0; đồng thời báo cáo BGH nhà trường, giáo viên trong đội phản ứng nhanh.
- BGH nhà trường chỉ đạo các bộ phận trong trường thực hiện các biện pháp khoanh vùng, xác định F1 tại lớp học sịnh F0 học; đồng thời tiến hành khám sàng lọc và test cho các F1.
- Tại lớp giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên trong đội phản ứng nhanh tổ chức tiến hành xác định những học sinh trong lớp học có tiếp xúc gần để đánh giá nguy cơ và đề xuất BGH thực hiện các giải pháp theo hướng dẫn mới của Liên ngành Y tế và Sở Giáo dục Đào tạo thành phố.
- Tại phòng cách li Y tế, nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Nếu F1 âm tính, sẽ được quay trở lai lớp học tập bình thường. Nếu F1 dương tính, sẽ được xử lí tình huống như trường hợp dương tính ở trên.
|
|
Tình huống 6. Hướng dẫn học sinh ra về khi kết thúc buổi học
- Giáo viên dạy tiết cuối chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang và hướng dẫn đảm bảo giãn cách khi ra về.
- Các thầy cô yêu cầu học sinh ra về theo cầu thang và lối ra cổng theo quy định, nhắc hs giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc khi không cần thiết. Các lớp ra về theo khung giờ quy định cho từng lớp. Các quy định đã được gửi và phổ biến trước cho học sinh, cha mẹ học sinh, tuy nhiên vẫn được nhắc lại vào các buổi học.
- Giáo viên, bảo vệ, thầy cô giáo được phân công nhắc nhở loa để hs nhanh chóng ra khỏi trường.
- Kết thúc buổi học, nhà trường sẽ tiến hành vệ sinh và khử khuẩn phòng học, tay nắm cửa, mặt bàn, tay vị cầu thang. Cửa các phòng học sẽ được mở để bảo đảm thông thoáng.
|
|
Tình huống 7. Đảm bảo công tác phân luồng giao thông khi học sinh tan học.
- Công an, đoàn thanh niên, bảo vệ sẽ phân luồng giao thông, hỗ trợ HS ra về an toàn.
+ Hướng dẫn HS ra khỏi cổng trường, cần đi đúng phần luồng, đảm bảo giữ khoảng cách, không tụ tập ở vỉa hè, lòng đường, không tụ tập đông người.
+ Hướng dẫn phụ huynh sau đón học sinh cần di chuyển ngay để đảm bảo không ùn ứ người, phương tiện giao thông tại khu vực cổng trường.
- Bộ phận Đoàn Đội, các thầy cô giáo trực và thầy cô giáo dạy các lớp hướng dẫn, nhắc nhở HS đeo khẩu trang trong suốt quá trình từ trường trở về nhà.
Lưu ý: Trong tuần học đầu tiên khi HS trở lại trường, cuối mỗi 1 ca học, BGH, ban Đoàn đội, bộ phận y tế, đội phản ứng nhanh sẽ họp ngắn, rút kinh nghiệm, điều chỉnh biện pháp trước ca học tiếp theo để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho HS.
|
1.4. Phân công thực hiện
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nhà trường, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
- Giao nhiệm vụ cho nhân viên y tế trường học làm đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo nhà trường, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nhà trường.
- Thông báo, đề nghị các đơn vị cung cấp các dịch vụ cho nhà trường (thực phẩm, nấu ăn, vệ sinh môi trường ,...) cam kết đảm bảo thực hiện các dịch vụ an toàn để phòng, chống dịch bệnh.
- Xây dựng tiêu chí đánh giá lớp học an toàn, tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng quy định kiểm tra chéo việc thực hiện giữa các lớp.
- Phối hợp y tế phường thực hiện tiêm vắc xin mũi 3 phòng, chống COVID-19 đạt 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên.
- Đăng ký điểm khai báo y tế bằng mã QR để phục vụ công tác khai báo y tế đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và khách đến làm việc.
2. Đối với giáo viên
- Thực hiện nghiêm túc KH đón học sinh và sự phân công của BGH
- Tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, cha mẹ học sinh về các nội dung sau:
+ Các biện pháp bảo vệ sức khỏe, theo dõi sức khỏe của học sinh và thực hành các biện pháp vệ sinh cá nhân ở nhà, ở trường, trên đường đến trường và trở về nhà theo danh mục những việc cần làm của học sinh.
+ Yêu cầu học sinh, cha mẹ học sinh theo dõi nhiệt độ, biểu hiện sốt, ho, khó thở của học sinh trước khi đến trường; Nếu học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì học sinh nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Học sinh nghỉ ở nhà nếu học sinh đang trong thời gian cách ly y tế tại nhà hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà sau cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan y tế (yêu cầu bắt buộc).
+ Thông tin cho học sinh, cha mẹ học sinh biết về các biện pháp phòng, chống dịch đã được thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện tại nhà trường.
- Phối hợp và liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh để theo dõi sức khỏe học sinh.
- Chủ động đăng ký tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 bảo đảm tiêm đủ 03 mũi.
- Giáo viên tự đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe ở nhà. Nếu có sốt, ho, khó thở thì chủ động báo cho nhà trường và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe đồng thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
- Giáo viên không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly y tế tại nhà hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà sau cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan y tế.
3. Đối với học sinh
- Thường xuyên súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng.
- Giữ ấm cơ thể.
- Tăng cường tập thể dục.
- Ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
- Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng vào các thời điểm: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi chơi, đi học về nhà, sau chi tiếp xúc với vật nuôi, khi tay bẩn (hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi động vật hoang dã).
- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp), không khạc, nhổ bừa bãi. Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.
- Không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa.
- Bỏ rác đúng nơi quy định.
- Tự theo dõi sức khỏe bằng cách: đo thân nhiệt, nếu có sốt, ho, khó thở thì báo ngay cho cha mẹ, nhà trường (Giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế nhà trường), kịp thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho, khó thở; người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.
- Đăng ký và thực hiện tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
II. CÔNG TÁC THỰC HIỆN KHI HỌC SINH ĐI HỌC TRỞ LẠI
1. Đối với nhà trường
1.1. Công tác tổ chức
- Chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 01 buổi/ngày, kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý với những nội dung giảng dạy, đạt hiệu quả cao nhất.
- Phân công lịch trực cổng, trực trường và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
- Quy định và hướng dẫn giáo viên thực hiện các nội dung theo danh mục “Những việc giáo viên cần làm khi học sinh đi học trở lại để phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
- Quy định và hướng dẫn nhân viên bảo vệ nhà trường thực hiện các nội dung theo danh mục “Những việc nhân viên bảo vệ nhà trường cần làm để phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
- Quy định, thông báo giáo viên hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh thực hiện các nội dung theo danh mục “Những việc học sinh cần làm tại nhà để phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và “Những việc học sinh cần làm khi học sinh đi học trở lại để phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
- Không tổ chức các hoạt động tập thể, tham quan thực tế, dã ngoại. Không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường.
- Thứ hai hàng tuần tổ chức chào cờ tại lớp học.
- Bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp.
- Phương án đảm bảo giãn cách, giáo viên chưa tiêm đủ 02 mũi chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.
1.2. Công tác khử khuẩn vệ sinh trường, lớp học
- Sau mỗi buổi học, nhà trường tổ chức lau khử khuẩn nền nhà, bàn ghế, đồ dùng, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, lớp học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, khu vực rửa tay, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can.
- Tổ chức tổng vệ sinh, phát quang bụi rậm, thu gom phế thải, khử khuẩn toàn trường bằng CloraminB 1 lần/tuần, vào cuối tuần.
- Bố trí đủ thùng đựng rác và chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hằng ngày.
- Trong trường hợp có học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với Covid-19 thì nhà trường phải thực hiện khử khuẩn theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
- Kiểm tra hằng ngày và bổ sung đầy đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học.
1.3. Theo dõi, chăm sóc, giám sát và xử lý các vấn đề sức khỏe tại trường
- Phân công nhân viên y tế trường học thường trực y tế, phòng, chống dịch trong suốt thời gian học sinh có mặt ở trường.
- Đảm bảo nhân viên y tế trường học thực hiện đúng các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại trường theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, kiểm tra hàng ngày và bổ sung kịp thời trang thiết bị y tế theo quy định tại phòng y tế nhà trường.
- Quy định nhân viên y tế trường học liên hệ thường xuyên với trạm y tế phường Mỹ Đình 1 theo quy định để được hướng dẫn và hỗ trợ.
1.4. Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo
- Nhà trường/Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; công tác khử khuẩn và vệ sinh môi trường trường, lớp; công tác thực hiện các nội dung theo tờ danh mục “Những việc giáo viên cần làm khi học sinh đi học trở lại để phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và “Những việc nhân viên y tế cần làm khi học sinh đi học trở lại để phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
- Tổ công tác tổng hợp báo cáo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của nhà trường hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng và thông báo cho Ban giám hiệu để biết và có các biện pháp xử lý kịp thời.
2. Đối với giáo viên
- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
- Giáo viên tham gia công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo sự phân công của nhà trường.
- Khi giáo viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay phòng y tế nhà trường để được kiểm tra, theo dõi, cách ly.
- Giáo viên chủ nhiệm
+ Ngày đầu tiên khi học sinh đi học trở lại: Trước khi vào tiết học đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm thông báo quy định, phát cho học sinh tờ danh mục “Những việc học sinh cần làm tại trường để phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và hướng dẫn cho học sinh thực hiện đúng cách.
+ Kiểm tra sĩ số hàng ngày, báo cáo ngay với Ban giám hiệu và nhân viên y tế các trường hợp nghỉ học do ốm.
+ Theo dõi thân nhiệt của học sinh 2 lần/ngày, cập nhật vào Sổ theo dõi sức khoẻ của học sinh.
+ Hướng dẫn học sinh trực nhật, lau lớp học bằng nước tẩy rửa thông thường hoặc CloraminB (tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh) vào cuối giờ học.
+ Quản lí học sinh giờ chào cờ, giờ ra chơi tại lớp.
+ Thường xuyên truyên truyền, nhắc nhở học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
- Giáo viên bộ môn
+ Kiểm tra sĩ số học sinh trước khi vào mỗi tiết học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh xem có cảm thấy sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không. Nếu có, giáo viên hướng dẫn hoặc đưa ngay học sinh đến phòng y tế nhà trường để được kiểm tra, theo dõi và xử trí kịp thời.
+ Phối hợp với GVCN, lao công vệ sinh lớp học, vệ sinh các phòng chức năng.
+ Thường xuyên truyên truyền học sinh& gia đình phòng chống dịch bệnh Covid-19.
+ Tham gia lịch trực theo sự phân công của BGH.
+ Giáo viên có tiết cuối mỗi ngày học: Nhắc nhở, kiểm tra và xác nhận việc vệ sinh lớp cuối ngày.
- Giáo viên trực
+ Gồm 2 giáo viên trực/ ca (sáng - chiều). Có mặt tại trường lúc 6h45 và rời trường lúc 17h45.
+ Đón và giao nhận học sinh, đo thân nhiệt cho học sinh đầu giờ học tại cổng trường, cập nhật vào sổ theo dõi thân nhiệt học sinh. Hướng dẫn học sinh rửa tay với nước sạch và xà phòng trước khi vào lớp.
+ Hướng dẫn học sinh có thân nhiệt 37,50C trở lên đeo khẩu trang và vào theo dõi, xử trí tại phòng y tế, phòng cách ly.
+ Sát khuẩn tay nhanh tại phòng y tế.
+ Nhắc nhở học sinh mở toàn bộ cửa sổ, cửa chính thông thoáng lớp học.
+ Thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở, theo dõi sức khỏe, sĩ số học sinh, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các lớp học.
- Giáo viên Tổng phụ trách
+ Phối hợp với nhân viên y tế và Ban tuyên truyền măng non tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, kết hợp bài tuyên truyền và các bài hát, nhạc để nâng cao hiệu quả truyền thông.
+ Kiểm tra thường xuyên, bổ sung kịp thời các tờ tranh, bài tuyên truyền tại các lớp.
+ Chuẩn bị đầy đủ loa, mic cho công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
3. Đối với nhân viên y tế trường học
- Liên hệ với trạm y tế Phường để được hướng dẫn, phối hợp xây dựng kế hoạch và hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch tại nhà trường.
- Tham mưu cho Lãnh đạo nhà trường kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kế hoạch khử khuẩn, vệ sinh môi trường trong trường học, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường.
- Tham mưu cho Lãnh đạo nhà trường bố trí phòng y tế, phòng cách ly để cách ly học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở (trong trường hợp cần thiết) với đầy đủ trang thiết bị y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 quy định về công tác y tế trường học.
- Hằng ngày kiểm tra, giám sát, nhắc nhở giáo viên, học sinh từng lớp, nhân viên vệ sinh, khử khuẩn môi trường, những người cung cấp dịch vụ thực hiện theo danh mục những việc cần làm.
- Phối hợp với giáo viên để theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi và lập sổ theo dõi.
- Khi phát hiện học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế phường, Phòng giáo dục, phòng Y tế, TTYT quận và cha mẹ học sinh. Nhân viên y tế mặc đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân theo quy định và có trách nhiệm cung cấp khẩu trang y tế, hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách cho đối tượng nêu trên.
- Thường xuyên kiểm tra và báo cáo Lãnh đạo nhà trường để bổ sung kịp thời trang thiết bị y tế theo quy định tại phòng y tế nhà trường.
- Tham mưu cho Lãnh đạo nhà trường phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nhà trường.
- Tổng hợp báo cáo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của nhà trường hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng cho Lãnh đạo Nhà trường/Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
4. Đối với nhân viên bảo vệ
- Không cho học sinh ra khỏi trường trong giờ học.
- Không cho những người không có nhiệm vụ vào trường.
- Khi khách đến trường nhân viên bảo vệ phải thực hiện những việc sau:
+ Báo với Lãnh đạo nhà trường.
+ Hướng dẫn khách quét mã QR tại cổng trường.
+ Ghi lại tên, địa chỉ đơn vị công tác/nơi ở, số điện thoại liên lạc, ngày giờ ra vào trường và tên cán bộ của nhà trường làm việc với khách; hướng dẫn khách đến đúng phòng cần làm việc, không được đi vào các khu vực khác không cần thiết.
+ Khi nhân viên bảo vệ có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay phòng y tế nhà trường để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời.
+ Nhân viên bảo vệ nhà trường tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe ở nhà. Nếu có sốt, ho, khó thở thì chủ động báo cho nhà trường và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, đồng thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Nhân viên bảo vệ nhà trường không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.
5. Đối với nhân viên vệ sinh, lao công
- Phối hợp thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn trường, lớp hàng ngày, hàng tuần.
- Đảm bảo khuôn viên, cơ sở vật chất nhà trường luôn sạch sẽ, gọn gàng.
6. Đối với học sinh
- Nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng, chống dịch bệnh do trường, lớp đề ra.
- Đăng ký và thực hiện tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng vào các thời điểm: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi chơi, đi học về nhà, sau chi tiếp xúc với vật nuôi, khi tay bẩn (hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi động vật hoang dã).
- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán địch tiết đường hô hấp). Không khạc, nhổ bừa bãi. Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.
- Không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
- Bỏ rác đúng nơi quy định.
- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như: cốc, bình nước, khan lau tay, gối, chăn…
- Không tụ tập tại các địa điểm đông người, không ăn quà vặt khu vực cổng trường, hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, kết thúc giờ học phải về nhà ngay.
- Nếu có sốt, ho, khó thở thì báo ngay cho nhà trường (giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế nhà trường), nghỉ học ở nhà để theo dõi sức khỏe, đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
7. Đối với phụ huynh học sinh
- Phụ huynh thực hiện tốt quy định “Bảo đảm một cung đường, hai điểm đến”, tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 theo quy định của Chính phủ.
- Cần chuẩn bị cho học sinh:
+ Khẩu trang y tế.
+ Khăn tay hoặc khăn giấy cá nhân.
+ Bình nước uống cá nhân.
+ Nước sát trùng tay nhanh cá nhân.
* Lưu ý:
- Thường xuyên nhắc nhở học sinh các biện pháp 5K phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
- Khi con có một trong các biểu hiện ho, sốt, khó thở, tức ngực, mệt mỏi, đau đầu, mất vị giác … cần cho con nghỉ học, đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời và báo ngay với GVCN.
- Nhắc con không tụ tập tại các địa điểm đông người, không ăn quà vặt khu vực cổng trường, hạn chế tiếp xúc với người ngoài ra đình, kết thúc giờ học phải về nhà ngay.
8. Đối với các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở tại trường học
8.1. Đưa người nghi ngờ đến phòng cách ly y tế. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 02 mét với những người khác.
8.2. Nhân viên y tế (đeo khẩu trang y tế, găng tay, sử dụng trang phục y tế (trang phục y tế này phải được thay trước khi ra khỏi phòng y tế hoặc khu vực cách ly và giặt sạch với chất tẩy rửa hoặc xà phòng trước khi dùng lại, không giặt chung với các đồ vải khác). Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi ngờ.
8.3. Khai thác tiền sử tiếp xúc của người nghi ngờ:
- Đối với trẻ em, học sinh, học viên bậc phổ thông: mời cha mẹ hoặc người đỡ đầu đến trường để phối hợp hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và thực liên các biện pháp xử lý.
- Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên thì hỏi trực tiếp.
- Hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và cách xử trí:
+ Trong vòng 14 ngày trước đó có đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế (cả trong và ngoài nước), nêu địa điểm cụ thể nếu có.
+ Trong vòng 14 ngày có tiếp xúc gần (sống cùng nhà, học cùng lớp, sinh hoạt chung, làm việc cùng phòng, tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 1-2m, di chuyển trên cùng phương tiện, ...) với những người đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người nghi ngờ hoặc xét nghiệm có dương tính với COVID-19.
+ Nếu không có cả hai yếu tố tiếp xúc dịch tễ nêu trên thì thực hiện tiếp theo Mục 8.4
+ Nếu có một trong hai yếu tố tiếp xúc dịch tễ nêu trên thì thực hiện tiếp theo Mục 8.5.
- Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc đơn vị y tế địa phương theo quy định để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ. Nếu cần thiết mời cán bộ y tế khu vực, tuyến quận, huyện, thị xã tuyến Thành phố đến hỗ trợ
8.4. Xử trí sau khi hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ:
Trường hợp người nghi ngờ không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì xử lý như sau:
- Điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Nếu cần thiết thì nhân viên y tế trường học đưa giáo viên, học viên hoặc phối hợp với cha mẹ đưa trẻ, học sinh đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
- Ghi lại các thông tin vào sổ theo dõi sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác y tế trường học (mẫu sổ theo dõi sức khỏe Sở đã gửi đến các đơn vị).
8.5. Trường hợp người nghi ngờ có yếu tố tiếp xúc dịch tễ:
- Thông báo cho y tế địa phương để phối hợp xử lý khi có trường hợp người nghi ngờ có yếu tố tiếp xúc dịch tễ, người có biểu hiện sốt, ho, khó thở tại trường học.
- Vận chuyển đến cơ sở y tế để cách ly và điều trị.
- Cán bộ y tế trường học phối hợp với trạm y tế cấp xã/phường/thị trấn hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương để đưa học sinh/giáo viên đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị. Việc vận chuyển học sinh/giáo viên nêu trên phải thực hiện đúng theo quy định về phòng chống lây nhiễm.
8.6. Các biện pháp xử lý tại nhà trường:
- Đối với trường hợp có tiếp xúc gần hoặc trường hợp có liên quan khác thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương.
- Thông báo cho toàn thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cho học sinh nghỉ học ngay cho đến khi nhà trường có thông báo mới.
- Khử khuẩn môi trường: thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
9. Yêu cầu đối với phòng/khu vực cách ly
- Đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí, không dùng điều hòa; hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường. Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ.
- Tại cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh để thuận tiện sử dụng.
- Bố trí thùng đựng chất thải có nắp đậy. Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người cách ly vào thùng đựng chất thải. Đối với trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì thu gom, vận chuyển và xử lý như chất thải lây nhiễm theo hướng dẫn của trạm y tế phường; thu gom các rác thải sinh hoạt khác vào thùng đựng rác thải thông thường.
- Đảm bảo trang thiết bị y tế cơ bản theo quy định.
- Có nội quy khu vực cách ly: hạn chế tối đa những người không phận sự vào khu vực cách ly; đảm bảo an ninh, an toàn; không tổ chức ăn uống tập trung trong khu vực cách ly; cung cấp suất ăn cho người được cách ly và đảm bảo an toàn thực phẩm.
C. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thường xuyên của nhà trường.
2. Xin hỗ trợ của các cấp trên.
3. Các nguồn hỗ trợ khác.
Nơi nhận:
- UBND quận Nam Từ Liêm;
- Trung tâm Y tế Quận;
- Phòng GD &ĐT Quận;
- Trạm y tế Quận;
- CB, GV, NV, HS;
- Lưu VT
|
HIỆU TRƯỞNG
Phí Thị Thu Hương
|